Monday, April 30, 2012

Gốm Bàu Trúc: Nắn bằng tay, xoay bằng... đít

Hi, xin được khẳng định rằng cái câu Nắn bằng tay, xoay bằng đít không phải tui tự đặt ra để câu view đâu, mà chính là tự xưng của dân làng nghề Bàu Trúc đó!

Làng Gốm cổ truyền Bàu Trúc có lịch sử hàng ngàn năm, nằm trên quốc lộ 1, cách Thành Phố Phan Rang Tháp Chàm 7 km về phía Nam trên đường từ Hà Nội vào Thành Phố Hồ Chí Minh và là làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á...

Gốm Bàu Trúc hiện nay rất nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới vì bản chất nghệ thuật đặc sắc, và vì hai đặc điểm hổng giống ai của nó.

Thứ nhất:

Để làm các đồ gốm dạng tròn (bình, chậu...) hầu như tất cả các nơi trên thế giới đều dùng bàn xoay. Khối đất sét được đặt trên một cái bàn xoay đều, nghệ nhân dùng tay tạo dáng cho sản phẩm. Ở Bàu Trúc thì không! Không có cái bàn xoay! Cục đất sét đứng yên và... người xoay. Bởi vậy nên họ mới gọi là: Nắn bằng tay, xoay bằng đít.

 Cục đất sét

đứng lên và xoay

 dùng ngón tay để tạo hình

tiếp tục miết

Xong rồi!

Người xoay vòng vòng quanh cục đất, chắc chắn là khó tròn hơn so với bàn xoay rồi (vì đâu có cái tâm để xoay), thế mà nó vẫn tròn. Thế mới là... nội công thâm hậu!

 Chân dung nghệ nhân

Thứ hai:

Gốm ở các nơi sau khi nặn xong thì được cho vào lò nung. Bàu Trúc không thèm dùng lò nung! Sản phẩm được phơi lộ thiên ngoài trời, sau đó xếp rơm, củi lên trên mà đốt. Chính vì đốt theo cách này nên sản phẩm khó mà chín đều. Và chính vì không chín đều, nên nước gốm không đồng màu mà có những vệt nâu, vệt đen ngẫu nhiên trông rất là... huyền thoại! Và cũng vì thế nên mới... không cái nào giống cái nào. Thế mới là hàng độc, thế mới là không đụng hàng!

Sản phẩm gốm Bàu Trúc

Bạn hãy chú ý cái màu rất đặc biệt của gốm Bàu Trúc

và... không cái nào giống cái nào!

Link to full article

Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ!

Tên đường phố ở nước ta được đặt theo tên danh nhân lịch sử - văn hóa. Bỏ qua những chuyện ngớ ngẩn, kiểu như ở TPHCM có đường Trần Hưng Đạo A, Trần Hưng Đạo B (tức là có 2 ông Trần Hưng Đạo), hay có đường Đinh Tiên Hoàng không xa mấy đường Đinh Bộ Lĩnh (cứ coi như một đường đặt cho ông khi chưa làm vua, và một đường là đặt cho ông khi đã làm vua rồi)... thì tên đường cũng là một cách gợi cho ta nhớ lại lịch sử.

Lịch sử thì không phải ai cũng biết, cũng thuộc, cho nên nhiều khi đi trên con đường mang tên vị danh nhân ấy mà chẳng biết ông là ai, có công trạng như thế nào.

Ca dao (thời nay) có câu rằng:

Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ!


Quá đúng! Muốn biết vị danh nhân ấy là ai, tiểu sử như thế nào thì chỉ việc tra trên Gu-gồ là ra ngay thôi mà.

Các bạn có tin như vậy không?

Thử cùng tôi tìm nhé! Ở quận 9, TPHCM có một con đường mang tên Dương Đình Hội. Bạn có biết Dương Đình Hội là ai không? Nếu không biết thì hãy tra Gu-gồ cụm từ “Dương Đình Hội” nhé!

Chỉ chưa đầy 1 giây, Google cho ra gần 20.000 kết quả như sau:
  • Đường Dương Đình Hội P. Phước Long B - Q.9 dẫn vào Khu Dân cư Khang Điền...
  • Bán Nhà Dương Đình Hội Quận 9 TP.Hồ Chí Minh
  • Cho thuê Nhà Dương Đình Hội...
  • Bán đất đường Dương Đình Hội, P. Phước Long B, Q.9.
  • ...
Tuyệt nhiên không biết Dương Đình Hội là ai!

May mắn hơn một chút là Võ văn Ngân, tên một con đường lớn ở Thủ Đức. Serach Google cho ra hơn 1 triệu kết quả. May là tên ông có trong Wikipedia nên kết quả tìm kiếm này được cho lên trên, và ta biết được ông Võ văn Ngân là em ruột của Võ văn Tần. Nhưng chỉ... 1 trên 1 triệu kết quả thôi, còn lại thì đều là các thông tin đại loại như: Cửa hàng Thế giới di động Võ văn Ngân, Welcome to KFC Võ văn Ngân, con đường Võ Văn Ngân (Q. Thủ Đức, TP. HCM), nơi được ví như là "kinh đô" thời trang...

Bạn có thể kiểm tra thêm vài trường hợp nữa. Thí dụ: đường Đặng văn Bi ở Thủ Đức. 700 ngàn kết quả tìm ra đều liên quan đến địa danh Đặng văn Bi mà không hề có kết quả nào là nhân vật Đặng văn Bi cả! Đặc biệt có một kết quả trong trang Yahoo! Hỏi và Đáp, người hỏi hỏi như thế này: Cho tui hỏi Đặng văn Bi là ai thế? Tui vô tình đi trên con đường mang tên thế mà không biết là ai? Câu trả lời được bình chọn hay nhất là: Nó ở Thủ Đức, Sài Gòn mà! Bó tay!

Tóm lại, đặt tên danh nhân cho đường phố là một điều hay, search Google để tìm thông tin cũng là một điều hay luôn. Hai điều hay cộng lại thành một điều dở! Tưởng tìm ra được thông tin về ông đó, rốt cuộc lại tìm ra thông tin về con đường đó!



Có dạo các nơi treo poster ở từng con đường để diễn giải về tên con đường ấy, nhưng nay không thấy nữa. Thôi thì nếu các bạn muốn biết tiểu sử Đặng văn Bi thì chỉ cần biết rằng ông... ở Thủ Đức là đủ rồi nhé! 

Hai Ẩu
eChip 326 - 13/04/12

Link to full article

Hai Ẩu đã làm gì ở Trà Vinh?

Hai Ẩu đến Trà Vinh. Hắn đi chùa, để chứng tỏ lòng mình thuần khiết.

Chùa Samrông Ek

Bước vào chùa Samrông Ek, điều đầu tiên thu hút hắn không phải là kiến trúc chùa, là đức Phật từ bi, mà là hình ảnh nude. Bán nude thôi, nhưng cũng đủ khiến Hai Ẩu nhìn ngắm say sưa...


Hai Ẩu nhủ thầm, người đang được ba cô gái sexy kia vây quanh là Đức Phật, chứ nếu là Hai Ẩu thì... chẹp chẹp, không biết sao nữa!


Hai Ẩu đọc bia chú thích phía dưới: Ba cô gái của ma vương cố làm khuây khỏa và quyến rũ Đức Phật, nhưng sự cám dỗ của họ là vô ích.


Lòng tà nổi lên, Hai Ẩu quyết định làm... ma vương để đi quyến rũ các thầy tu.


Chùa Selatron
Nơi đầu tiên Hai Ẩu giở trò là chùa Selatron (chùa Điệp Thạch). Đây là ghi chép cuộc đàm thoại của hắn (có ghi âm, đây chỉ là đoạn trích):


  • Chào sư, gọi là lục hay là sư hè?
  • Là sư.
  • Nghe nói là sư không có ăn chay phải không?
  • Đúng rồi. Sư ăn thịt được, nhưng ngày chỉ ăn 2 buổi thôi, buổi sáng và buổi trưa. Sau giờ ngọ là không được ăn nữa.
  • Hic, vậy buổi tối đói bỏ mẹ! Ăn thịt được vậy chắc nhậu được phải không? Nhậu thịt chó được không?
  • Ồ không! Không được nhậu!
  • Nhưng mà uống cà phê, hút thuốc được phải không? Vậy uống cà phê đi! Mời sư!
Chùa Kompong Chrây

Cám dỗ sư ở chùa Selatron không thành công, Hai Ẩu lò dò qua chùa Kompong Chrây (chùa Hang). Cám dỗ sư lớn không được, Hai Ẩu chuyển qua dụ dỗ sư nhỏ. Đây là trích đoạn dụ dỗ của hắn (có quay video làm bằng chứng hẳn hòi, nhưng không tiện post lên Youtube):


  • Con nhiêu tuổi?
  • Dạ 15.
  • Sao đi tu, uổng vậy? Đi tu rồi lấy vợ được hông?
  • Dạ được chớ, nhưng lấy vợ rồi thì phải bỏ chùa, không tu nữa.
  • Ừa, vậy bi giờ phải yêu đi, 15 tuổi yêu được rồi. Nhưng mà ở trong chùa làm sao yêu?
  • Dạ bây giờ phải tu chớ, yêu đương gì chú? Phép chùa không cho gọi điện thoại nữa đó.
  • Vậy à? Vậy gởi mail được không? Chat được không?
  • Dạ không, mà chùa không có máy tính.
  • Chà, khó quá hè. Chú còn tính chỉ cho làm blog nữa đó, mà giờ không có máy tính. Biết làm sao?

Hai Ẩu quyến rũ không thành công. Hắn đã thất vọng ra về. Hẹn ngày trở lại Trà Vinh, quyến rũ tiếp.


Link to full article

Sunday, April 29, 2012

Theo chân các ngọn núi lửa Việt Nam

Các nhà khoa học trong và ngoài nước từ lâu đã chứng minh dọc dài nước Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, núi lửa từng hoạt động dữ dội.

Trong nhiều đợt, ở nhiều giai đoạn khác nhau. Nhiều tài liệu khoa học chính thống, cả trong tâm thức của đồng bào bản địa, đều có sự hiện diện của cái gọi là núi lửa.

Tuy nhiên, dường như việc nghiên cứu, tìm hiểu, quảng bá các kỳ quan dính dáng đến núi lửa (đang ngủ) ở nước ta vẫn còn là miền đất... bỏ trống. Trong khi những miệng núi lửa ở Tây Nguyên đẹp đến bàng hoàng, các thành tạo của dòng dung nham tuôn trào từ thượng cổ đều xứng danh là những thắng cảnh tuyệt mỹ của quốc gia.

Ở Tây Nguyên, Pleiku là thành phố nằm bên 15 ngọn núi lửa, có ngọn núi tên là Núi Lửa, có dòng Núi Hoa do nham thạch cháy bỏng tuôn ra giữa đất trời lộng lẫy như hoa, có Biển Hồ đẹp kỳ bí là những miệng núi lửa âm.

< Đứng ở mỗi góc trong khu vực Pleiku, ta đều nhìn thấy núi lửa Hàm Rồng có một hình dạng khác nhau. Có khi là hình thang (chóp nón cụt), có khi là hình tròn như phần bụng của lọ lục bình ai đó chôn một nửa dưới lòng đất.

Đắc Lắc có thác Gia Long đẹp đến nỗi ông Bảo Đại phải đem tên “tổ phụ” mình ra để đặt tên cho con nước ào lên giữa chất ngất các cột bazan núi lửa đã đông kết từ hàng triệu năm trước.

Rồi thắng cảnh quốc gia Ghềnh đá đĩa, vùng badan dạng cột Ba Làng An (Quảng Ngãi), năm miệng núi lửa khổng lồ ngoài đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), các ngọn thác nổi tiếng Dray Soap, Trinh Nữ... tất cả đều là những thành tạo do núi lửa.

< Leo lên tòa nhà 12 tầng của Hoàng Anh Gia Lai, cao nhất Pleiku, thì Hàm Rồng mờ ảo trong sương khói với cái miệng phễu chảy dung nham chảy dài ra góc phải của ảnh (ảnh trên); nhưng đứng dưới quốc lộ phóng tầm mắt ngước lên thì Hàm Rồng sừng sững, mỗi ngôi nhà chỉ như cọng lá dưới chân nó.

Ở cửa ngõ quốc lộ chạy từ Buôn Ma Thuột sang Gia Lai, thành phố cao nguyên Pleiku đón chào bạn bằng núi Hàm Rồng với vàng rực hoa cúc quỳ. Từ điểm nhìn đó, bạn sẽ thấy rõ núi Hàm Rồng được tách làm đôi để hõm giữa cho dòng nham thạch phá vỡ miệng phễu tròn chảy ra, hình thành nên các vùng đất badan màu mỡ...

Núi Hàm Rồng (còn gọi là núi Chư Hơ Đông, núi Hòn Rồng) là miệng núi lửa nổi tiếng nhất Tây nguyên bởi nó cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là đỉnh cao nhất khu vực Pleiku với cái miệng tròn xoe hình phễu khổng lồ. Bởi nữa: Hàm Rồng mang đầy đủ những đặc tính tiêu biểu của một miệng núi lửa dương (nổi trên mặt đất - để so sánh với các miệng núi lửa âm lõm sâu dưới lòng đất, thường là các lòng hồ, như Biển Hồ chẳng hạn).

Tôi và PGS.TSKH Trịnh Dánh, đoàn làm phim khoa học của VTV2 (Truyền hình Việt Nam) đã bỏ mấy ngày trời để đi... vòng quanh Hàm Rồng, thưởng thức các điểm ngoạn mục nhất của ngọn núi lửa này. Ông Dánh, nguyên là giám đốc Bảo tàng địa chất Việt Nam, người nổi tiếng với đề tài cấp quốc gia về các công viên địa chất, khu bảo tồn địa chất đặc biệt của Việt Nam (trong đó nhấn mạnh đến các kỳ quan núi lửa), người đã lăn lộn tìm hiểu về địa chất khu vực Tây nguyên từ sau năm 1975.

Khi núi lửa hoạt động, nham thạch “bức bối” phá tung bề mặt quả đất ra, hình thành nên cái lỗ rất tròn rồi từ đó phun ra. Với các miệng núi lửa dương, núi nhô lên mặt đất, nhưng lòng núi rỗng, hõm sâu xuống, hình thành nên những miệng phễu phía trong quả núi (miệng núi lửa) đang nhô lên. Miệng phễu hướng thẳng lên trời. Vì thế, ví dụ núi Hàm Rồng trông xa có hình dạng như hình thang, thật ra nó là hình chóp nón cụt mất phần ngọn. Điểm cụt của chóp nón đó chính là miệng phễu khổng lồ để dung nham tuôn ra...

Để hình dung được điều này, chúng ta lại phải vượt 30km về núi Chư Đăng Ya (huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai).
Đứng phía dưới núi Chư Đăng Ya (tiếng địa phương là ngọn núi có nhiều củ gừng mọc tự nhiên), núi rất tròn. Nhưng khi leo nửa ngày lên đến đỉnh, miệng núi sẽ mở ra một thung lũng tương đối lớn, bốn bề vách núi vuốt ngược lên, bạn nằm trong một cái lòng chảo tuyệt đẹp, cây lương thực do bà con xung quanh trồng vàng ươm, xanh ngát.

Nhưng thật ra không hẳn như thế, miệng núi tròn, rỗng trong bụng như cái lòng bát loa, song nó có một đường rãnh để thoát nước. Đó cũng chính là con đường để dung nham tuôn ra từ triệu năm trước, giống như một bát cháo nóng đã bị nghiêng rồi vỡ một góc miệng bát cho cháo chảy ra, hình thành các cánh đồng màu mỡ dưới kia.

Trong cái nắng vàng ươm mà chói gắt, chúng tôi leo lên đỉnh Chư Đăng Ya. Ở trên cao, nhìn nơi dòng dung nham thiêu đốt thế gian từng phun ra, rõ ràng là một lòng chảo.

< Bà con từ dưới Phù Cát, Bình Định lên đây làm ăn, vì đất trong bụng núi lửa cực kỳ màu mỡ, cảm giác một vài trận mưa to nước sẽ tràn lên, lập tức miệng núi lửa Chư Đăng Ya biến thành một cái bát loa chứa nước tròn xoe.

Cũng khỏi phải bàn, khó có nơi nào màu mỡ đến thế, khó có nơi nào mà luống khoai luống đỗ của bà con lại dựng lên giữa những thành quách thẳng đứng như thế này. Chú em quay phim từ Hà Nội vào cứ nhảy cẫng lên khi dùng ống kính góc rộng, “ăn” cảnh toàn (bao quát) tất cả cái chảo gang khổng lồ mang tên miệng núi lửa tròn xoe.

< PGS Trịnh Dánh “dẫn chương trình” về núi lửa ngay trước “cửa thoát” của dòng dung nham, nơi ngọn núi bị xẻ làm hai phần hình tròn phía sau ảnh.

Chúng tôi đã đi rất nhiều khu vực núi lửa, không hiểu sao trong lòng núi lửa thường xuyên không có nắng, bóng râm cứ phủ vào đó một sắc màu bí ẩn. Vì thế ruộng rẫy của bà con “lên màu” rất dịu dàng.

Ngồi mệt, lại lăn lóc cạnh những quả bom núi lửa tròn vo rất ngộ nghĩnh, cứ như có người khổng lồ nào đó đã nặn những viên bi lớn mà chưa kịp bỏ vào lò nung.

Ở Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Hà Nội), PGS Trịnh Dánh và các đồng nghiệp đã sưu tầm được rất nhiều quả bom núi lửa mang về trưng bày. Khi khối dung nham nổ long trời lở đất túa ra không gian, nó bay tít trên chín tầng mây.

Chịu một lực xoáy từ trong “tâm chấn” nên xoáy như viên đạn AK bắn ra khỏi nòng. Bây giờ rỡ đất đá ở miệng núi lửa ra, ông Dánh vẫn phát hiện các quả bom nhỏ găm trong khối nham thạch, như hạt lạc hình xoắn nằm trong nong bánh đúc đã triệu năm ròng.

< Bức ảnh này chứa đựng chân lý của Biển Hồ “tròn”, chúng tôi có được sau khi đi gõ cửa một số nhà cao tầng trong khu vực để leo lên... ngắm cảnh, chụp ảnh nhờ.

Đặc biệt, văn liệu của người Pháp xưa kia, cũng như chuyên gia địa chất Việt Nam gần đây, đều cho biết núi lửa Hàm Rồng là miệng dương, còn Biển Hồ là miệng âm của bốn ngọn núi lửa. Nếu nhấc núi Hàm Rồng đặt vào biển Hồ thì nó vừa... khít. Ở Việt Nam chưa có hồ tự nhiên nào mà lại tròn đến thế.

< Trong chiến tranh, nhiều máy bay đã vĩnh viễn nằm dưới bụng nước Biển Hồ, nước không bao giờ cạn, không bao giờ đầy, các thành vách xung quanh Biển Hồ rất tròn, rất cong đều, giống hệt cái “thành bát” của một “bát nước” (Biển Hồ) mà chúng ta mới chỉ “chan canh” lưng lưng...

< Biển Hồ Tây nguyên nhìn từ vệ tinh.

Rất tiếc ở khu vực không có điểm cao để chụp được những miệng núi lửa tròn xoe của Biển Hồ một cách “xúc cảm” hơn, nhưng đúng là nó rất tròn.

Ông Dánh tin nếu tát nước đi, Biển Hồ sẽ tròn bốn bề như “lòng chảo” Chư Đăng Ya, chỉ có điều cái miệng âm của nó sẽ là hun hút vô tận vào tít trong lòng đất (với các miệng dương, vì nhô lên mặt đất, nên trong quá trình phun trào nó đã gãy thành hình chóp nón cụt).

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, internet

Link to full article

30/4-1/5, ở nhà là ...lành nhất

Không thể thuê được ô tô, giá phòng khách sạn tại các điểm du lịch tăng chóng mặt, nhiều người tự an ủi mình ở nhà là… lành nhất.

Nghỉ lễ 30/04- 1/5 được xem là thời điểm đẹp nhất của ngành du lịch vận tải hành khách sau suốt thời gian dài ảm đạm vì khủng hoảng kinh tế. Các dịch vụ cho thuê xe đã đẩy giá lên gấp 3 lần ngày thường.
Sáng ngày 28/4, nhiều người đã rời bãi giữ xe Thống Nhất (phường 7, quận 10) trong sự chán chường vì không thể thuê được xe ô tô đưa gia đình đi du lịch.

Địa điểm chuyên cho thuê xe tự lái rộng nhất quận 10 này dù vẫn còn gần 60 xe ô tô các loại nhưng đều đã có người đặt thuê từ trước.

Anh Trần Bá Tùng (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: “Vợ tôi đã đặt tour ở gần chục công ty du lịch nhưng họ cho biết đều đã hết vé. Cuối cùng, 2 vợ chồng bàn bạc quyết định thuê xe tự lái đi Đà Lạt. Lúc nãy một chủ xe cho biết, người ta thuê hết rồi, muốn có xe phải đợi đến chiều tối 30/4”.

Một công ty cho thuê xe giá rẻ có trụ sở ở toà nhà Indochina Park (phường Đa Kao, quận 1) cũng do biết: “Do nhu cầu thuê xe tăng cao nên giá xe bên tôi có điều chỉnh. Hiện chỉ còn xe Innova 7 chỗ, giá bao cả tài xế là 3,2 triệu 1 ngày. Nếu đi Đà Lạt từ sáng ngày 29/04 đến 01/05 tiền xe là 5 triệu đồng”.

Nghỉ lễ 30/04- 01/5 được xem là thời điểm đẹp nhất của ngành du lịch vận tải hành khách sau suốt thời gian dài ảm đạm vì khủng hoảng kinh tế nên nhiều hộ gia đình cũng không đi du lịch mà tranh thủ đưa xe cá nhân ra để kinh doanh cho thuê.

Anh Đỗ Minh Tuấn (45 tuổi, ngụ quận 12) cho biết: “Tôi mua chiếc Toyota Venza hồi năm ngoái gần 1,3 tỷ đồng. Cũng giữ xe lắm nhưng cả hai vợ chồng đang dành dụm tiền cho 2 đứa con đi du học ở Anh nên dịp lễ này cũng tranh thủ cho thuê với giá 5 triệu 1 ngày. Đã giao xe cho khách từ chiều ngày 27/04 để họ đi Phan Thiết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thuê xe trong dịp lễ 30/04 – 01/05 năm nay được xem là tăng cao nhất so với mọi năm trước. Ngày thường, giá thuê 1 chiếc Innova có tài xế chỉ vào khoảng 1,2- 1,5 triệu/1 ngày, Honda Civic 1.8 từ 800.000- 1.200.000 đồng/1 ngày…

Phản ánh với VietNamNet, chị Đỗ Thị Hương D., giám đốc truyền thông cho một tập đoàn của Đức đang có mặt tại Vũng Tàu cho biết, mặc dù tiếp đón đoàn khách khá Vip đến Việt Nam du lịch nhân dịp 30/04- 1/05 nhưng hiện tại chị đã phải dẫn cả đoàn về một khách sạn bình dân nằm trong hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo.
Trước đó, chị D. đã liên hệ với khách sạn Imperial tiêu chuẩn 5 sao trên đường Thuỳ Vân, TP. Vũng Tàu để đặt phòng nhưng chỉ còn duy nhất 1 phòng cao cấp nhất.

Theo lời nhân viên đặt phòng, phòng này được thiết kế dành cho Nữ hoàng, có giá 10.500.000 đồng/ 1 đêm. Hiện khách sạn chỉ còn duy nhất 1 phòng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến thời điểm hiện tại, 95% các khách sạn tại Vũng Tàu đã bán hết số lượng phòng từ ngày 29/04 đến 01/05. Chỉ còn một số khách sạn chưa bán phòng của ngày 28/04 đến 12h trưa ngày 29/04.

“Nếu muốn có phòng nghỉ khi đến Vũng Tàu, anh chỉ còn cách chấp nhận thuê phòng từ chiều 28/04 đến trưa hôm sau trả phòng thôi. Hiện chúng tôi còn 3 phòng. Những phòng đã bán hầu hết đều do các hãng lữ hành mua cho khách đi tour” - lễ tân khách sạn H.A trên đường Hạ Long, TP. Vũng Tàu cho biết.

Theo tâm lý khách du lịch, hầu hết đều muốn nghỉ tại các khách sạn nằm trên đường Thuỳ Vân, vì đây là con đường nằm giáp bãi tắm, đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, vào dịp nghỉ lễ, hầu hết đều phải chấp nhận thuê phòng tại các khách sạn nằm ở những tuyến đường xa hơn từ 1-3km như Hạ Long, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh…

Theo tìm hiểu từ nhiều hành khách, dịp lễ 30/04-1/05 năm nay, rất nhiều các hãng lữ hành đã giảm giá khá sâu. Bên cạnh đó, sự ra đời của các công ty hoạt động theo kiểu nhóm mua đã thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo một cách hiệu quả và bền vững. Chính vì vậy, các hoạt động du lịch cá nhân, gia đình tự túc gặp khó khăn trong vấn đề thuê xe và đặt phòng khách sạn cũng là điều dễ hiểu.

“Vấn đề đặt phòng tại Mũi Né đối với khách lẻ hiện cũng vô cùng khó khăn. Đối với 2 địa điểm du lịch khác là Nha Trang và Đà Nẵng việc đặt phòng ở thời điểm này lại càng là chuyện không không tưởng vì Đà Nẵng sắp diễn ra lễ hội bắn pháp hoa bên sông Hàn, trong khi năm nay lượng khách ngoại đổ về TP. Nha Trang cũng tăng đột biến vì các tour 30/04 đã giảm giá từ cách đây 2 tháng”, anh Nhật Tân, một hướng dẫn viên du lịch nói.

Du lịch, GO! - Theo Minh Dũng (Vietnamnet)

Link to full article

Khám phá hồ Truồi

“Tôi không tưởng tượng mình được đến một nơi đẹp đến như vậy. Và có lẽ tôi sẽ không... giới thiệu với ai về nó, vì nhiều người đến sẽ phá hỏng cảnh sắc nơi này”!

Câu nói của ca sĩ người Anh hát nhạc Trịnh Lee Kirby đã “kéo” chúng tôi đến hồ Truồi (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).

Sáng sớm, từ TP Huế nhóm bốn người chúng tôi lên hai xe máy theo quốc lộ 1A chạy về hướng nam. Đi khoảng 30km đến cầu Truồi, tiếp tục rẽ phải theo con đường ngoằn ngoèo chừng 10km là đến chân đập Truồi. Từ đây, cả nhóm thuê một chiếc thuyền của Hợp tác xã du lịch thanh niên xã Lộc Hòa để vào sâu trong rừng với giá trọn gói 500.000 đồng. Trước khi lên thuyền, hỏi mãi chúng tôi cũng tìm được anh Nguyễn Văn Phong, một thợ rừng người địa phương, nhận lời dẫn đường.

Mặt nước hồ phẳng lặng, trong xanh soi bóng những dãy núi cao điệp trùng bất tận khiến người ngồi trên thuyền như đang du ngoạn về chốn thần tiên. Thuyền đi vào sâu trong lòng hồ, nhìn lên những dãy núi kỳ vĩ trước mặt, một ngọn thác đổ từ lưng chừng núi dựng đứng cao cả trăm mét như vắt ngang trời.

Phong cho biết đó là thác Trại Lính, nơi ngày xưa một đồn lính của chế độ cũ trú đóng. Gần đó là suối Ông Viên, lấy tên theo người bao thầu khai thác gỗ rừng trong khu vực những năm 1980.

Anh cũng giới thiệu rất nhiều con suối, ngọn thác nằm quanh hồ như thác Vũng Thùng, nơi thác nước đổ xuống cái vũng bằng đá rộng lớn mang hình thùng nước. Hay suối Hợp Hai, nơi hai ngọn suối len lỏi dưới những tán cây rừng rồi hợp lưu thành một vũng nước lớn... Chúng tôi chọn đến suối Ba Trại bởi hấp lực của những món ăn chế biến từ cá suối.

Sau hơn 20 phút lênh đênh trên lòng hồ, suối Ba Trại hiện ra trước mặt đẹp như tranh vẽ với những lèn đá, cây rừng và dòng nước mát lạnh, trong vắt. Ngược theo con suối chừng 500m, mọi người chọn một tảng đá lớn bằng phẳng ngay giữa dòng suối làm điểm dừng chân.

Phong lôi từ chiếc balô mấy sải lưới đi bủa trên những vũng nước lớn rồi đi quanh một vòng, ôm về một bó củi khô nhóm lửa trên phiến đá. Chúng tôi cũng tỏa ra người rút cần câu cá, người đi ngược con suối khám phá cảnh vật, người chọn mấy vũng nước sâu rộng nằm ngay giữa suối để ngâm mình.

Dòng nước suối trong lành ngấm vào da thịt làm sảng khoái cả đầu óc... Chỉ vài phút khuấy nước, hàng chục con cá suối lớn bằng hai ngón tay đã vẫy vùng trong tay kéo. Cá ở đây nhiều vô kể, các loại như cá xanh, cá choạc, cá sao, cá bống... Phong mang mấy thứ gia vị đơn giản ra ướp cá rồi sắp lên vỉ nướng than.

Bữa ăn được Phong dọn ra ngay trên tảng đá với vỉ cá nướng vàng ươm, kèm theo một nồi cháo cá bốc hơi thơm phức. Những cái dạ dày đang đói vì vùng vẫy trong nước được dịp lấp đầy trong xuýt xoa: ngon quá, ngon quá!

Phong kể nhiều về vùng hồ Truồi và con suối Ba Trại này. Sở dĩ có tên Ba Trại vì những năm sau giải phóng, người dân bên kia phá Tam Giang băng phá lội đồng sang đây phá rừng vừa lấy củi gỗ, vừa trồng sắn và dựng lên ba cái trại lớn để ở. Giai đoạn đó rừng còn rậm với muôn vàn cây cổ thụ. Để khai thác gỗ người ta còn làm hẳn con đường cho xe reo chạy vào. Những cây gỗ lớn cứ mất dần, mất dần. Sau này cùng với việc cấm khai thác rừng và xây đập Hồ Truồi những năm 1990, cây cối bắt đầu tái sinh.


Trời xế chiều, chúng tôi thu dọn để về thuyền. Mới 4g chiều nhưng mặt trời đã khuất sau những ngọn núi cao. Núi tiếp liền núi, mượt xanh soi mình xuống mặt hồ tạo thành bức tranh quyến rũ đến kỳ lạ. Chủ đò cho thuyền ghé lại thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm trên bán đảo nhô ra giữa hồ. Đây là một tuyệt phẩm kiến trúc hội tụ phong thủy tuyệt vời giữa núi và hồ. Thuộc dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khởi nguyên từ đời Trần, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được khởi công xây dựng vào cuối tháng 3/2006. Các công trình như chánh điện, phương trượng, tăng đường, thiền đường, trai đường, lầu chuông, tháp xá lợi, tổ đường… nằm trên sườn đồi giữa hồ Truồi thơ mộng với tổng diện tích 1,9ha.

Chinh phục 172 bậc tam cấp cao để đến cổng thiền viện cũng mệt nhoài, đứng trước tam quan thiền viện, bạn sẽ quan sát một cách đầy đủ về hồ Truồi và khung cảnh kỳ vĩ bao quanh nó. Ngược lại, từ bên này hồ Truồi nhìn sang là toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đẹp như một bức tranh thủy mặc; một phần thưởng thật xứng đáng là được ngắm toàn cảnh vùng hồ từ trên cao...

Thông tin thêm:

+ Hồ Truồi thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ thành phố Huế đi gần 30km về phía nam theo quốc lộ 1A, rồi theo con đường làng râm mát bóng cây, đi thêm 10km nữa, du khách sẽ đến hồ nhân tạo đẹp nổi tiếng này.

+ Chỉ mất 200.000 đồng/chuyến cho một chiếc thuyền chở khoảng 15 khách, bạn sẽ được lái thuyền phục vụ suốt cả chuyến tham quan quanh hồ.

+ Xứ Truồi có loại trái cây đặc sản nức tiếng trong Nam ngoài Bắc là dâu Truồi – hương vị ngọt ngào, thơm ngon và mát lành. Nếu đã đến đây, bạn nên ghé nhà vườn địa phương để mua về làm quà.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTO, Báo Tin tức, internet

Đắm mình cùng thiên nhiên ở suối hồ Truồi

Link to full article

Popular Posts