Friday, April 24, 2009

Ba cơ hội đến từ khủng hoảng.

Mọi cuộc khủng hoảng đều tai hại ở chỗ nó khiến hầu hết các công ty đều trượt sâu vào lối suy nghĩ và tầm nhìn hạn hẹp. Kết quả: họ chỉ có được cách nhìn nhận hết sức lệch lạc về tương lai. Khi cuộc khủng hoảng đang lên tới mức đỉnh điểm như hiện nay, tôi e rằng, đà tụt dốc này vẫn chưa có điểm dừng.
Không muốn lâm vào hoàn cảnh tương tự, bạn phải làm gì? Mấu chốt của vấn đề chính là bạn buộc phải chú tâm vào những nền tảng cơ bản của doanh nghiệp mình. Warren Buffer đã từng nói: “Trước mắt, thị trường có thể hỗn độn và đầy hoài nghi nhưng về lâu về dài, khi lòng tin được khôi phục thì triển vọng của doanh nghiệp sẽ được củng cố”.

Điều này có nghĩa gì? Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp chỉ nên chú tâm vào yếu tố tạo nên sức bật cho mọi doanh nghiệp như luồng tiền dồi dào và nhịp độ tăng trưởng bền vững. Nếu suy nghĩ được như vậy, bạn sẽ tìm ra giải pháp. Suy nghĩ này sẽ thôi thúc bạn duy trì vị thế của doanh nghiệp bằng mọi giá hoặc nếu điều kiện cho phép, bạn cần phải xông xáo hơn để nắm lấy thời cơ cho sự phát triển lâu dài.

Chính bản năng của một nhà kinh doanh và của một con người thực dụng đã giúp tôi nhận ra biện pháp tăng cường hiệu quả kinh doanh của công ty, thải loại những nhân tố yếu kém một cách quyết liệt hơn nữa, nhưng vẫn phải đầu tư hết sức chọn lọc khi thời cơ đến. Trong tình cảnh khốn đốn hiện giờ, nếu doanh nghiệp của bạn có nguồn tiền mặt thì chẳng khác nào nắng hạn gặp mưa.

Còn nếu, bạn vẫn chưa có sẵn trong tay thì hãy coi đây như hồi chuông báo thức, giục giã bạn đứng dậy và ra ngoài tìm về cho doanh nghiệp của mình. Khi tất cả đều đã sẵn sàng thì bạn hãy mở lối tư duy và đón nhận cơ hội đến từ chính cuộc cải tổ đang diễn ra trên thị trường.

Theo tôi, nguồn nhân lực, định vị giá trị và cạnh tranh chính là ba yếu tố xoay vần mạnh mẽ hơn cả.

Trước hết, yếu tố con người. Kinh tế lâm vào khủng hoảng; mọi người đều ngán ngẩm khoanh tay nhìn các quyền chọn cổ phiếu của mình rớt giá thảm hại. Cơ hội cũng là đây. Các công ty với tiềm lực khiêm tốn giờ đây có thể tiếp cận dịch vụ head-hunter (săn đầu người) và tư vấn nhân lực với mức phí ưu đãi hơn trước.

Chưa kể, giờ đây, nguồn tuyển chọn cho các công ty cũng phong phú hơn rất nhiều bởi ứng viên của họ sẽ bao gồm cả những nhân sự có năng lực nhưng buộc phải trở thành đối tượng của các đợt cắt giảm nhân sự hoặc giải thể công ty.

Điều này nhắc tôi nhớ về trường hợp của công ty kiểm toán mình đã từng công tác. Sau khi Enron sụp đổ, công ty của tôi khi đó đã thuyết phục Arthur Andersen - một nhân viên kế toán rất có năng lực của Enron - về làm việc cho mình.

Một mũi tên trúng hai đích: họ không chỉ thu hút được người tài mà còn kéo được khách hàng quen của người này về cho công ty. Nhờ vậy, từ một công ty nhỏ không mấy tên tuổi, công ty này sau đó đã trở thành một trong những công ty có uy tín nhất trong ngành kiểm toán địa phương.

Thứ hai, xu thế định vị lại giá trị của các công ty tư nhân và công ty đại chúng sẽ tạo ra một thị trường thuộc về người mua. Đương nhiên, nguyên tắc về việc theo đuổi những thế mạnh căn bản không hề thay đổi nhưng tình thế hiện tại buộc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu đôi chút.

Nếu mặt tài chính của bạn vẫn còn ổn thì đây cũng không phải là thời điểm thích hợp để theo đuổi mục tiêu cứng nhắc ban đầu cho tới khi sức cùng lực kiệt mà phải nhìn nhận đây như một giai đoạn cầm cự theo đó mục tiêu bạn nên chuyển từ chỉ bán hàng ở mức giá tốt nhất sang chỉ cần ở mức giá tốt nhất có thể là được.

Nhân tố thứ ba có quan hệ mật thiết với hai yếu tố trên: sau mỗi đợt chấn động kinh tế, thị trường sẽ sàng lọc để tìm ra diện mạo của người thắng kẻ thua mới. Với các công ty có tiềm lực mạnh, đây chẳng phải là lúc để bạn củng cố các thông điệp quảng cáo, giành và tạo thị phần trong khi các đối thủ khác không có được cơ hội tốt để hành động hay sao?

Thậm chí không cần tiến hành các thương vụ mua lại, nếu có đủ khả năng thì các doanh nghiệp nên tăng tốc và củng cố những nhân tố giúp tổ chức của mình trở nên khác biệt và nhạy bén trước các biến động thị trường. Bởi khách hàng trở nên kỹ tính hơn vì vậy bạn phải thuyết phục mình xứng đáng được chọn thế nào.

Đa phần chúng ta đều bị chi phối bởi lối suy nghĩ phóng đại những gì trước mắt nhưng lại xem nhẹ những yếu tố lâu dài từ đó mất đi định hướng về điểm tới hạn của doanh nghiệp. Trong khi, yêu cầu đặt ra cho mỗi doanh nghiệp là họ cần phải tỉnh táo, kiên định với mục tiêu phát triển để giành được thắng lợi trong cuộc đua này chứ không phải chỉ là kẻ lót đường.

Với những công ty đang ở vào thế khó thì người quản lý phải bằng mọi giá giữ vững và bảo toàn vị thế vốn có để từ đó tạo ra thêm nguồn tiền mặt cho tổ chức của mình. Với những công ty vẫn còn dồi dào nguồn lực và sự linh động cần có, bạn sẽ đứng vững nếu biết hành động quyết liệt hơn nữa trong khi mọi người xung quanh đã gần như buông xuôi.

Nên nhớ rằng, bạn sẽ không đạt được gì cả nếu như chỉ hồ hởi trong chốc lát nhưng sau đó lại không quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Quả thật đáng trách nếu bạn không nhận ra hướng suy nghĩ nguy hiểm này và tiến hành những giải pháp phù hợp khi mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

- Bài viết của Anthony Tjan trên Harvard Business Publishing -

* Như Nguyệt dịch (tuanvietnam.net)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/qtdn/blog/show.dml/3183447

No comments:

Post a Comment

Popular Posts