Tuesday, April 21, 2009

Trach ai: nha kinh te hay kinh te hoc

Trách ai: nhà kinh tế hay kinh tế học?


Nguyễn Vạn Phú


Một giáo sư tại một trường đại học kinh tế nói dạo này ông không viết gì được nữa bởi mọi chuyện đang thay đổi nhanh chóng, bản thân ông phải theo dõi, nghiên cứu diễn biến kinh tế thế giới cũng như các cuộc tranh luận của giới kinh tế gia nhằm rút ra cho mình những kết luận mới dựa trên các lý thuyết cũ.


Đó là một sự lùi lại cần thiết vì đã có những trường hợp các nhà kinh tế bị hố to như một giáo sư kinh tế nổi tiếng ở Mỹ đã bỏ tiền mua nhà ngay đúng đỉnh điểm lúc giá nhà cao nhất và ngay sau đó sụt giảm liên tục vì khủng hoảng nợ dưới chuẩn. Không hiếm các nhà nghiên cứu thị trường chứng khoán hiện đang ôm trong người nhiều cổ phiếu của các đại công ty mua lúc giá cao ngất ngưởng. Một chuyên gia kinh tế vừa mới dự báo sẽ không có chuyện nâng biên độ tỷ giá hôm nay, ngày mai Ngân hàng Nhà nước công bố biên độ mới!


Có phải kinh tế học hiện đang bất lực, không giúp thế giới vượt qua khủng hoảng? Có phải các nhà kinh tế cũng là thủ phạm góp phần dẫn đến khủng hoảng hiện nay, nhất là khi họ liên tục rao giảng về lợi ích của việc nhà nước càng ít can thiệp vào thị trường càng tốt vào những năm trước đây? Vì sao cùng một vấn đề, các nhà kinh tế không ngớt tranh luận với những ý kiến chỏi ngược nhau đến kỳ lạ?


GS Dani Rodrik, Đại học Harvard, cho rằng lỗi là ở các nhà kinh tế chứ không phải ở kinh tế học. Bởi kinh tế học không đơn thuần ca tụng kinh tế thị trường như nhiều người vẫn tưởng. Vẫn có những nghiên cứu sâu sắc về mặt trái của tự do hóa thương mại; về sự bất lực của thị trường tài chính không tạo ra được tính hiệu quả tối ưu trong nhiều trường hợp; về tính hữu ích của can thiệp nhà nước để tạo ra sự bình đẳng trong xã hội.


Vấn đề nằm ở chỗ, nhà kinh tế - trước hết là con người chịu tác động của xã hội đang sống - sẽ có xu hướng tô đậm lý thuyết kinh tế này và bỏ qua những ý kiến khác ngược. Họ lý giải kinh tế học dựa vào cách nhìn chủ quan của họ đối với mọi hoạt động kinh tế.


Ở mức thấp nhất, họ sẽ coi trọng sự tối ưu hóa thị trường mà bỏ quên những yếu tố con người, ví dụ, sẽ cổ xúy cho việc một công ty đa quốc gia liên tục di dời nhà máy đến chỗ có lao động và nguồn nguyên liệu giá rẻ nhất, không cần biết trên con đường đó sẽ có bao nhiêu số phận con người hay số phận cả một vùng dân cư thăng trầm theo dòng chảy vốn đầu tư. Lý thuyết tối ưu hóa thương mại sẽ buộc họ lên tiếng ủng hộ cho việc mở cửa thị trường, bỏ hàng rào thuế quan, chống bảo hộ sản xuất trong nước.


Ở mức cao hơn, nhà kinh tế một khi đã tin theo một chủ thuyết nào đó, ví dụ nghiệp đoàn lao động cản trở sự phát triển của sản xuất thì họ sẽ lập luận rất thuyết phục, bằng những chứng cớ hùng hồn để bảo vệ cho quan điểm của mình. Một nhà kinh tế khác lại đi tìm và sẽ tìm được những bằng chứng cho thấy nghiệp đoàn giúp nâng cao năng suất lao động, động cơ làm việc, cải tiến sản xuất… Như thế cuộc tranh cãi sẽ diễn ra liên tục không ngừng.


“Thay vì trình bày mọi sự chọn lựa và liệt kê mọi sự đánh đổi liên quan – mà đấy chính là ý nghĩa của kinh tế học – các nhà kinh tế lại thường nói lên sự chọn lựa xã hội và chính trị của chính họ. Thay vì làm nhà phân tích, họ trở thành nhà lập thuyết, thích cách tổ chức xã hội như thế này hơn thế kia” – GS Rodrik nhận xét.


Vì vậy, các nhà làm chính sách cần hiểu rõ động cơ và thái độ của nhà kinh tế trước mỗi khuyến nghị của họ. Ví dụ, chuyện tỷ giá, nếu đứng từ lợi ích của nhà nhập khẩu sẽ có những ý kiến khác so với góc nhìn từ lợi ích của nhà xuất khẩu. Chúng ta đã có những kinh nghiệm quý báu từ cuộc khủng hoảng năm ngoái khi hàng loạt các phân tích của các tổ chức tài chính quốc tế hóa ra không chính xác trong khi các khuyến nghị của các nhà kinh tế trong và ngoài nước, nhìn từ lợi ích của đất nước, đã dẫn đến những chính sách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả trong việc chặn đứng lạm phát, ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán. Giả thử nếu lúc đó vẫn tiếp tục có chính sách dựa trên những lợi ích liên quan đến thị trường chứng khoán hay địa ốc, có lẽ khủng hoảng đã kéo dài và trầm trọng hơn.


Hiện nay cũng vậy, tranh cãi trong phân tích tình hình kinh tế và những biện pháp đề xuất là chuyện bình thường. Vấn đề là nhìn từ góc độ nào, lợi ích của ai để phân tích – từ đó sẽ thấy một chính sách có lợi cho doanh nghiệp nhà nước chưa hẳn có lợi cho nền kinh tế nói chung; một chính sách nghe rất hay trong ngắn hạn chưa hẳn đã ổn trong dài hạn, những phân tích lạc quan, trấn an lòng người chưa chắc đã là liều thuốc hay so với cách nhìn thẳng thắn, đụng đến bản chất vấn đề, đòi hỏi có giải pháp gây đau đớn nhưng hữu hiệu hơn, bền vững hơn. Dù sao, khi nhà kinh tế còn bất đồng, thế giới mới biết được những quan điểm khác nhau và chỗ đứng của từng con người trong thế giới đó. Còn khi tất cả đều im lặng hay cùng đồng lòng thuận theo một lý thuyết nào đó, lúc đó mới là lúc cần cảnh giác.

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/04/trach-ai-nha-kinh-te-hay-kinh-te-hoc.html

No comments:

Post a Comment

Popular Posts