Monday, January 30, 2012

Những con số khó hiểu

Những con số khó hiểu

Kết thúc năm 2011, nhiều ngân hàng công bố mức lãi kỷ lục. Ví dụ, Vietinbank lãi 8.105 tỷ đồng hay Vietcombank lãi 5.700 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng khác cũng có những mức lãi khó tin như thế.

Đối với nhiều người, ngàn tỷ đồng lớn đến bao nhiêu thật khó hình dung. Có lẽ chuyển sang đô-la Mỹ cho dễ thấy - 8.105 tỷ đồng tương đương mức lãi 385 triệu đô-la, 5.700 tỷ đồng tương đương 271 triệu đô-la!

Đây là mức lãi lớn bất ngờ, ngay với cả người trong cuộc. Còn nhớ khi cổ phần hóa, bán cổ phần lần đầu ra công chúng, Vietinbank cũng chỉ đặt chỉ tiêu lãi trước thuế cho năm 2011 là 4.954 tỷ đồng. Còn năm 2005 lãi của ngân hàng này chỉ có 525 tỷ đồng.

Mức lãi này cho thấy nhiều điều.

Áp đặt mức trần lãi suất huy động 14% trong khi thả nổi lãi suất cho vay là một chủ trương có lợi cho giới ngân hàng trong khi phần thiệt sẽ thuộc về người dân và doanh nghiệp. Khi lãi suất huy động bị khống chế ở mức 14%, lượng tiền huy động sẽ bị hạn chế theo cho nên ngân hàng sẽ chọn khách hàng nào chịu lãi suất cao để cho vay chứ đâu có động cơ giảm lãi suất cho vay để lôi kéo khách hàng. Trong một tình huống ngược lại, nếu lãi suất cho vay bị khống chế ở một mức nào đó trong khi lãi suất huy động được thả nổi, các ngân hàng sẽ cạnh tranh nâng lãi suất huy động đến một mức nào đó, thấp hơn trần lãi suất cho vay để họ còn có lãi nhưng cao hơn hiện nay để thu hút người dân gởi tiền. Lúc đó lợi nhuận của các ngân hàng có thể không cao như hiện nay nhưng cả nền kinh tế sẽ được lợi, thanh khoản sẽ được cải thiện, lãi suất cho vay sẽ được kiểm soát… Kiểm soát bằng trần lãi suất dù lãi suất huy động hay lãi suất cho vay đều làm cho cung cầu méo mó nhưng mỗi loại méo mó mỗi cách và mỗi loại có lợi cho các đối tượng khác nhau.

Thật ra, đâu phải khoản tiền nào gởi vào ngân hàng cũng nhận lãi suất huy động tối đa 14% đâu. Các ngân hàng thương mại nhà nước hay nhà nước nắm cổ phần chi phối vẫn đang hưởng lợi thế nhận tiền gởi từ các tổ chức, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần 14% rất nhiều. Vậy mà họ không có động lực giảm lãi suất cho vay vì không có gì thúc đẩy họ làm chuyện đó cả. Thị trường bị méo mó là vì thế.

* * *

Một con số khác cũng làm nhiều người ngạc nhiên. Đó là doanh thu của hai công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam. VNPT năm 2011 có doanh thu lên đến 117.275 tỷ đồng; Viettel có doanh thu không kém – 116.012 tỷ đồng (Nguồn: ITCnews). Một nguồn khác cho con số hơi khác một chút, doanh thu năm 2011 của VNPT là 120.800 tỉ đồng còn của Viettel khoảng 117.000 tỉ đồng (Nguồn: SGTT).

Cứ lấy theo con số đầu tiên thấp hơn, cộng hai nguồn doanh thu này lại, chúng ta có con số 233.287 tỷ đồng (tương đương khoảng 11 tỷ đô-la Mỹ)! Mặc dù chưa tính các hãng viễn thông khác, đây là con số khổng lồ.

Chia con số này cho 87 triệu dân, chúng ta thấy mỗi người dân, từ em bé sơ sinh đến cụ già trăm tuổi, năm vừa rồi đã chi gần 2,7 triệu đồng cho ngành viễn thông (chưa tính các hãng viễn thông khác), tức gần 10% tổng thu nhập đầu người. Dĩ nhiên không phải toàn bộ doanh thu của VNPT và Viettel là đến từ dịch vụ điện thoại di động nhưng đây là phần chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Con số này cũng cho thấy nhiều điều.

Thứ nhất là số liệu thống kê về GDP, thu nhập đầu người, cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam đối chiếu với doanh thu khổng lồ này là phi lý. Nếu con số doanh thu của VNPT và Viettel là chính xác (mà chắc là chính xác) thì tôi nghĩ GDP thật sự (tức tính cả khu vực phi chính thức) của Việt Nam phải cao hơn con số chính thức được công bố.

Thứ hai, hiện nay mỗi người chúng ta, dù nghèo đến đâu cũng phải chi một khoản tiền không nhỏ cho chiếc điện thoại di động mà nhiều năm trước đây không phải chi. Nghĩ cũng lạ, chiếc điện thoại di động ra đời, làm thay đổi thói quen tiêu dùng lớn như thế nhưng mọi người đều chấp nhận như chuyện đương nhiên. Nhưng biết đâu, đây là khoản chi tạo điều kiện làm ăn cho nhiều người, kể cả người bán hàng rong hay đây là khoản chi tạo niềm hạnh phúc.

Chỉ có điều nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy con người ta ngày nay tiêu dùng thời gian vào chiếc điện thoại ngày càng nhiều. Quan sát một người đang tạm thời rảnh việc, như đang ngồi chờ đến lượt mình, ắt sẽ dễ thấy người chăm chăm làm cái gì đó với chiếc điện thoại di động hơn là thấy một người quan sát quanh mình, trò chuyện với người ngồi bên cạnh để làm quen. Chiếc điện thoại gắn kết nhưng cũng làm cho con người xa cách nhau như một nghịch lý nữa.


Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts