Friday, January 27, 2012

Câu hỏi thường gặp nhất năm 2011

Câu hỏi thường gặp nhất năm 2011

Trò chuyện với một vài chuyên gia kinh tế quen biết, ai cũng kể, câu hỏi họ thường phải đối diện nhất trong năm 2011 từ người quen, người thân và cả người mới gặp: Nếu có ít tiền nên làm gì là tốt nhất? Một câu hỏi thôi cũng nói lên nhiều điều về tình hình kinh tế năm 2011.

Đầu tiên là nỗi lo của mọi người về lạm phát đang ăn dần vào các khoản thu nhập của họ làm họ phải tìm cách tự bảo vệ mình.

Câu trả lời nửa đùa nửa thật của nhiều nhà kinh tế là: Có tiền thì cứ tiêu đi cho thoải mái!

Dĩ nhiên nó sẽ bị gạt bỏ như lời nói đùa không nghiêm túc. Nhưng không ai thấy rằng chính khi họ chuyển khoản tiền mặt họ mới có thành vàng, đô-la hay địa ốc hay một kênh nào khác là họ đang tiêu tiền. Và đây chính là hiện tượng làm cho lạm phát rất khó để chế ngự: trong bối cảnh lạm phát cao, người ta tiêu tiền nhanh, xem chúng như “củ khoai nóng”, phải “chia tay” với nó ngay. Nếu lạm phát được xem như một thứ thuế đánh lên người có thu nhập thì cách thức đối phó của họ là chuyển thứ thuế này cho người khác bằng cách “tiêu tiền ngay” hiểu theo nghĩa trên.

Gạt bỏ chuyện lý thuyết qua một bên, rõ ràng tâm lý của đại đa số dân Việt Nam là ăn chắc mặt bền, tức chịu khó dành dụm để phòng lúc khó khăn (dĩ nhiên, trừ một số đại gia mới nổi, bỏ tiền tỷ mua xe hơi đắt tiền). Vì thế, giới quản lý nên hiểu tâm lý này khi đối diện với câu hỏi: Có một ít tiền nên làm gì đây? Đừng nói với người hỏi những khái niệm lãi suất thực dương hay thực âm, họ không quan tâm đâu. Người dân rất nhạy bén với những tính toán liên quan đến lợi ích của họ; họ sẽ gởi tiền đồng vào ngân hàng nếu lãi suất huy động đáp ứng được kỳ vọng của họ, là sau khi trừ lạm phát, họ vẫn bảo tồn được đồng vốn phần nào. Ngược lại, họ sẽ đi tìm kênh khác. Năm 2011, nhiều người hỏi các chuyên gia kinh tế câu hỏi chúng ta đang bàn chính là bởi nhiều lúc lãi suất huy động không đáp ứng được kỳ vọng này. Vì thế, thay vì bàn chuyện trần lãi suất huy động, các biện pháp trừng phạt ngân hàng nào vi phạm, hãy tổng kết và xem lại các con số vốn huy động trong từng thời kỳ, chúng ta sẽ có câu trả lời, mức lãi suất nào sẽ được người dân chấp nhận.

Điều thứ nhì nổi lên từ câu hỏi “có tiền nên làm gì?” là Việt Nam có nhiều cơ hội cho người dân xoay xở hơn nhiều nước khác. Thử tưởng người dân các nước phương Tây làm gì có thể dễ dàng mua vàng miếng hay ngoại tệ khác như dân Việt Nam. Làm gì các nước có hệ thống bán lẻ vàng miếng kèm theo dịch vụ đổi ngoại tệ rộng khắp từ thành thị đến các thị trấn như ở Việt Nam. Chính hai tác nhân vàng và đô-la đã góp phần làm yếu đi các chính sách tiền tệ vì chúng nằm ngoài sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Trong nửa đầu năm 2011 người dân mua vàng như một cách “tiêu tiền” tránh lạm phát; giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, dẫn tới giá đô-la tăng theo vì bị thu gom để nhập vàng bằng mọi con đường có thể. Và trên hết, vì sự dịch chuyển từ tiền mặt sang vàng, đô-la hay kênh khác làm tốc độ vòng quay tiền tăng lên, lại tác động lên lạm phát.

Đến đây, chúng ta hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước phải soạn thảo nghị định quản lý việc mua bán vàng miếng, phải sửa đổi nghị định quản lý ngoại hối… tất cả nhằm triệt tiêu phần nào hai yếu tố tác động lên chính sách tiền tệ nằm ngoài sự kiểm soát của mình.

Tuy nhiên, câu hỏi dai dẳng “Có ít tiền nên làm gì?” cũng cho thấy với tâm lý của người dân đã quen với vàng như một loại tài sản đương nhiên, nếu không khéo, Ngân hàng Nhà nước lại rơi vào chỗ “thái quá bất cập” – tức đã không quản lý được thị trường vàng hay đô-la mà còn tạo ra những hiệu ứng đẩy thị trường này vào chỗ càng khó kiểm soát hơn, lan rộng hơn.

Điều thứ ba có thể quan sát được là hai kênh đầu tư mới nổi lên mấy năm gần đây là thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc xem như thua trong năm 2011. Khi người ta còn hỏi, chứng tỏ chứng khoán không hấp dẫn được họ như những năm trước hay đất đai không còn là thanh nam châm buộc họ xếp hàng dài để mua nhà, mua đất.

Chỉ mong sao năm 2012 này các chuyên gia kinh tế sẽ không còn bị hỏi câu hỏi này nữa, không phải bởi chọn lựa của người dân bị khép lại mà bởi câu trả lời đã hiển nhiên với họ: bỏ vào ngân hàng như người dân của đa số các nước khác hay đầu tư vào các kênh khác như một lẽ thường tình.


Link to full article

No comments:

Post a Comment

Popular Posts